Xử lý doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường

Trả lời:
Theo quy định tại khoản 6, Điều 3 về “Giải thích từ ngữ”, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 thì ô nhiễm môi trường là sự biến đổi của các thành phần môi trường không phù hợp với tiêu chuẩn môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến con người, sinh vật.
Việc xác định mức độ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh có phát sinh chất thải sẽ được thực hiện trên cơ sở các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Theo quy định tại khoản 1, Điều 2 về “Nguyên tắc và căn cứ xác định cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”, Thông tư số 04/2012/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên Môi trường quy định tiêu chí xác định cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (Thông tư số 04/2012/TT-BTNMT) thì các hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường đều là những hành vi vượt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; nên ô nhiễm môi trường, ở mức độ nào đó có thể hiểu là hậu quả của hành vi vi phạm quy định quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
 
Tình trạng xả nước thải thẳng ra môi trường sẽ bị xử phạt tới 2 tỷ đồng.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có các hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường thì có thể bị xử lý theo những hình thức như sau (theo quy định tại Điều 49 về “Xử lý cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường”, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005):
- Phạt tiền và buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường;
- Tạm thời đình chỉ hoạt động cho đến khi thực hiện xong biện pháp bảo vệ môi trường cần thiết;
- Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường;
- Buộc di dời cơ sở đến vị trí xa khu dân cư và phù hợp với sức chịu tải của môi trường;
- Cấm hoạt động;
- Xử lý bằng các hình thức khác theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Trường hợp có thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc gây ô nhiễm môi trường thì cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Hiện tại, theo quy định tại Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (Nghị định số 179/2013/NĐ-CP), thì với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có thể bị áp dụng chế tài theo ba hình thức: hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả.
Cũng theo Nghị định số 179/2013/NĐ-CP thì tuỳ từng dạng hành vi vi phạm, mà khi hành vi đó gây ô nhiễm môi trường (hoặc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng) thì các chế tài áp dụng được quy định theo hướng tăng nặng so với hành vi vi phạm quy định thông thường. Mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức (gồm cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các doanh nghiệp nói chung)  có hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường là 2 tỷ đồng (khoản 1, Điều 4 về “Hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường”, Nghị định số 179/2013/NĐ-CP). Các chế tài xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định áp dụng cụ thể với từng loại hành vi vi phạm và mức độ vi phạm tại Nghị định số 179/2013/NĐ-CP.