Xã hội hóa các công trình nước sạch ở Ninh Bình

 
Hệ thống nhà hóa chất dùng bơm định lượng OBLđộng cơ khuấy sumitomo tại nhà máy nước xã Kim Hải - Kim Sơn vào hoạt động.
 
Ðưa nước sạch ra bãi ngang
 
Chủ tịch UBND xã Kim Hải (huyện Kim Sơn) Cao Văn Phú cho biết, Kim Hải là xã bãi ngang của huyện, nguồn nước tại đây thường xuyên bị nhiễm mặn, tình trạng thiếu nước ngọt trong sinh hoạt và trồng trọt diễn ra phổ biến. Năm 2010, Nhà máy nước Kim Hải được đầu tư xây dựng theo chương trình mục tiêu quốc gia với số vốn gần 14 tỷ đồng, trong đó hơn 12 tỷ đồng từ chương trình mục tiêu quốc gia, vốn đối ứng của người dân gần 1,4 tỷ đồng. Theo dự kiến năm 2013, công trình đi vào hoạt động, cung cấp nước sạch cho hơn một nghìn hộ dân trong xã và một số hộ dân ở vùng chung quanh. Tuy nhiên, đến năm 2012, khi đã đầu tư hơn chín tỷ đồng thì công trình ngừng thi công do thiếu vốn. Công trình dang dở khiến hầu hết các hộ dân trong xã không được dùng nước sạch, phải xây bể dự trữ nước mưa, sinh hoạt bằng nguồn nước giếng khoan, nước mặt trên các ao, ngòi, đầm không hợp vệ sinh.
 
Tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, người dân không ít lần kiến nghị chính quyền cùng ngành hữu quan có giải pháp tháo gỡ khó khăn, đưa nước sạch về xã. Ðầu năm 2017, Công ty cổ phần cấp thoát nước Ninh Bình được bàn giao công trình để hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Ngay khi tiếp nhận nguyên trạng công trình từ Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường (VSMT) nông thôn với tổng giá trị hơn 9,6 tỷ đồng, Công ty đã khẩn trương đầu tư, cải tạo, hoàn thiện các hạng mục xây dựng dở dang với tổng mức đầu tư gần bốn tỷ đồng.
 
Giám đốc chi nhánh cấp nước Kim Sơn Nguyễn Văn Hạ cho biết: Ðây là các hạng mục quan trọng, cụ thể: Bổ sung tuyến ống cấp nước thô từ trạm bơm cấp I đến trạm xử lý nước, kiểm tra, cải tạo, sửa chữa mạng lưới đường ống cấp nước; bổ sung, hoàn thiện trạm bơm cấp I, II. Cải tạo bể lắng Lamella, bể lọc nhanh, lắp đặt đồng hồ và thiết bị trộn tĩnh. Cải tạo nâng cấp đường dây và trạm biến áp cấp điện cho Nhà máy nước Kim Hải. Ðặc biệt, nâng công suất thiết kế từ 620 m3 lên 1.200 m3/ ngày đêm, gấp hai lần công suất thiết kế ban đầu.
 
Ðến nay, sau gần năm tháng hoàn thiện vận hành đúng kỹ thuật, công trình đã cung cấp nước hợp vệ sinh cho gần một nghìn gia đình trên địa bàn xã và thêm hai xã bên cạnh cũng được hưởng lợi về công trình nước sạch. Tương lai gần, Công ty cổ phần cấp thoát nước Ninh Bình tiếp tục đầu tư nhiều tuyến ống chính về xã Kim Mỹ, Kim Ðông và thị trấn Bình Minh để mở rộng vùng phục vụ, đáp ứng đủ nguồn nước hợp vệ sinh cho khoảng ba nghìn hộ dân các xã bãi ngang trên địa bàn huyện Kim Sơn.
 
Ðể người dân nông thôn được sử dụng nước sạch
 
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần cấp thoát nước Ninh Bình Ðinh Ngọc Vân cho biết: Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về việc bàn giao các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung, đến tháng 3-2017, công ty tiếp nhận 17 trạm cấp nước sạch nông thôn, trong đó sáu công trình xây dựng dang dở. Tuy nhiên, để sửa chữa và vận hành sáu công trình này, công ty gặp nhiều khó khăn vì đầu tư sửa chữa với nguồn kinh phí lớn. Hiện nay, công ty hoàn thiện trạm cấp nước xã Kim Hải, ngoài ra tiếp tục đấu nối đường dây tại một số xã có công trình còn dang dở tại xã Văn Phong, Quỳnh Lưu (huyện Nho Quan), Khánh Nhạc (huyện Yên Khánh), Ninh Xuân (huyện Hoa Lư).
 
Ðể tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, Giám đốc Trung tâm nước sạch và VSMT nông thôn tỉnh Ninh Bình Tống Xuân Toán cho biết: Các công trình đều có số vốn dự kiến lên đến hàng chục tỷ đồng và cung cấp nước sạch cho hàng nghìn hộ dân tại địa phương. Tuy nhiên, đến năm 2012, nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia cạn kiệt dẫn tới nhiều công trình thi công dang dở. Trước thực trạng nêu trên, tỉnh Ninh Bình kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa từ các doanh nghiệp. Ðến nay, toàn tỉnh có 31 công trình nước sạch hoạt động kém hiệu quả được một số doanh nghiệp tiếp nhận, sửa chữa, vận hành và lắp đặt.
 
Trong thời gian tới, UBND tỉnh Ninh Bình cần tổ chức đánh giá, kiểm tra thực tế mô hình quản lý, đối với các công trình đang hoạt động hiệu quả, tiếp tục giao cho đối tượng quản lý, sử dụng, khai thác; đối với công trình chưa hiệu quả, cần tiến hành điều chuyển, giao cho đối tượng quản lý có đủ năng lực và kinh nghiệm quản lý, vận hành. Tỉnh cũng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa, thu hút doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung tại khu vực chưa có nước từ các trạm cấp nước. Ðồng thời, nên thành lập Ban giám sát công trình sau khi xã hội hóa, thường xuyên kiểm tra, giám sát đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện theo tiến độ, cam kết sau khi tiếp nhận công trình. Ðồng thời, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân ý thức và việc cần thiết sử dụng nước hợp vệ sinh, bảo đảm sức khỏe nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.
 
Theo tapchicapthoatnuoc.vn