Việt Nam cần sớm xây dựng và ban hành luật kiểm soát ô nhiễm nước

Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) – Tổ chức điều phối Liên minh nước sạch cho biết, Các sự cố ô nhiễm nước biển miền Trung và các sông hồ…những tháng đầu năm 2016 đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, du lịch, tàn phá hệ sinh thái, làm tê liệt sinh kế của hàng triệu người dân phụ thuộc trực tiếp và gián tiếp và các nguồn này. Đây là hồi chuông cảnh báo về sự cần thiết, cấp bách kiểm soát các nguồn ô nhiễm thải vào các vùng nước mặt.

Bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) phát biểu tại sự kiện

Bảo vệ chất lượng nước các vùng nước mặt cũng chính là bảo vệ sự sống còn của nền kinh tế, bảo vệ sinh kế của hàng triệu người dân gắn liền với nguồn lợi thủy sản, dịch vụ du lịch và các dịch vụ khác liên quan đến nước. Việc kiểm soát ô nhiễm nước phải trở thành ưu tiên hàng đầu trong công tác bảo vệ môi trường.

Trong khi đó, các Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Tài nguyên nước và rất nhiều các văn bản dưới luật của Việt Nam hiện nay đưa ra các chế tài trên cơ sở ngăn ngừa và kiểm soát, nhưng các quy định cho việc kiểm soát ô nhiễm nước còn nằm phân tán gây khó khăn cho việc thực thi; việc kiểm soát các hoạt động gây ô nhiễm chưa có hiệu quả.

Toàn cảnh Sự kiện

Do vậy, việc xây dựng một khung pháp lý, chính sách  riêng biệt, đủ mạnh và hiệu quả để có thể góp phần kiểm soát tình trạng ô nhiễm nước trầm trọng là vô cùng cần thiết. Liên minh Nước sạch kiến nghị Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu để đưa Luật Kiểm soát ô nhiễm nước vào danh sách các luật mới sẽ được xây dựng trong thời gian tới.

Về vấn đề này, ông Nghiêm Vũ Khải – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cho rằng, bước tiếp theo là cần định hướng việc xây dựng Luật Kiểm soát ô nhiễm nước như thế nào để giải quyết được các bất cập như chồng chéo, chưa cụ thể của các luật hiện có. Trong vấn đề kiểm soát ô nhiễm nước, phải nhấn mạnh được vai trò của cộng đồng địa phương nơi trực tiếp diễn ra tình trạng ô nhiễm nước. Đồng thời, nâng cao vai trò và chức năng của của hiệp hội khoa học trong việc tư vấn, phản biện khoa học, tuyên truyền phổ biến kiến thức.

Theo baotainguyenmoitruong.vn