Trung Quốc vận hành nhà máy xử lý nước thải dưới lòng đất lớn nhất châu Á

Tử Cấm Thành -Bắc Kinh - Trung Quốc - Ảnh: TL

 

Nhà máy Hoè Phòng có diện tích 31 héc-ta, nằm hoàn toàn trong lòng đất, và có khả năng xử lý 600.000 mét khối nước/ngày, mỗi năm có thể xử lý lọc 200 triệu mét khối nước thải thành nước sạch. Nước thải đã qua xử lý sẽ được bơm trở lại các sông, hồ, dùng để tưới cây trong các công viên, làm lạnh công nghiệp... góp phần giải quyết tình trạng thiếu nước và ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng của thành phố.
 
Quá trình vận hành nhà máy sẽ không ảnh hưởng tới dân cư xung quanh do tất cả nước thải đều được xử lý dưới mặt đất, đồng thời khí gas thải ra từ nhà máy sẽ được xử lý trước khi đưa lên trên mặt đất thông qua 3 tháp khí.
 
Trong 3 năm qua, Bắc Kinh đã xây mới hoặc cải tạo 60 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt. Các nhà máy này góp phần nâng công suất xử lý nước thải của toàn bộ thành phố lên 6,72 triệu mét khối/ngày, cao hơn nhiều so với công suất 3,98 triệu mét khối/ngày trước đây, qua đó nâng tỷ lệ xử lý nước thải từ 83% lên 90%.
 
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2018, Bắc Kinh sẽ xây mới 27 nhà máy xử lý nước thải và nâng cấp 15 nhà máy khác nhằm đạt mục tiêu cơ bản "xoá sổ" các dòng sông đen ô nhiễm và bốc mùi khó chịu trong thành phố.