Tìm giải pháp kiểm soát ô nhiễm nguồn nước


Theo đánh giá, Việt Nam là một trong những nước có nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Châu Á, chuyển đổi từ một nền kinh tế phát triển theo kế hoạch tập trung sang một nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. 

Trong suốt 25 năm qua, chúng ta đã có sự tăng trưởng vượt bậc, nâng cao mức sống cho hàng triệu người và đạt được sự giảm nghèo hiệu quả. Năm 2014, GDP của nước ta tăng 5,9%, trở thành nước tăng trưởng nhanh thứ hai sau Trung Quốc (Công bố của Tổng cục thống kê, 12/2014). 

Tuy vậy do nền kinh tế của nước ta còn phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nông nghiệp, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, trồng rừng. Sự phụ thuộc này đã dẫn đến tình trạng suy thoái hóa đất, suy thoái rừng, suy thoái nguồn lợi hải sản ven bờ do khai thác đánh bắt cá quá mức và nhất là suy thoái môi trường đặc biệt là môi trường nước. 

Cùng với sự đô thị hóa nhanh và phát triển công nghiệp, các vấn đề về môi trường như rác thải, ô nhiễm ngày càng trở nên bức xúc, trong đó tình trạng ô nhiễm nước ngày càng trở nên trầm trọng, đã và đang gây ra vấn đề bất ổn trong xã hội. Theo thống kê hiện Việt Nam có khoảng 2.360 con sông dài trên 10 km và hàng ngàn hồ, ao. 

Ngoài ra còn có hai vùng đồng bằng lớn là đồng bằng sông Hồng ở phía Bắc và đồng bằng sông Cửu Long ở phía Nam với các đồng lúa nước rộng lớn. Các nguồn tài nguyên nước là nơi cư trú của các thảm động vật và thực vật độc đáo, hỗ trợ cuộc sống của hàng trăm ngàn loại thực vật cây cối, nơi sống của các loài cá và động vật hoang dã bản địa, và cũng là nền tảng cư trú cho hàng triệu người dân Việt Nam. 

Điều không may là những nguồn nước của chúng ta đang ngày càng bị suy thoái, thậm chí một số nguồn nước bị phá hủy do ô nhiễm nghiêm trọng bởi các hoạt động mang mục tiêu kinh tế và sự khai thác cho mục đích sinh hoạt của con người. Ô nhiễm môi trường nước hiện nay của nước ta đã và đang có xu hướng phát triển ngoài tầm kiểm soát.  

Tình trạng ô nhiễm nước đã làm tăng các chi phí sản xuất, ảnh hưởng tới hiệu quả và tính cạnh tranh sản phẩm của các ngành, đặc biệt là các sản phẩm thủy sản, nông nghiệp. Về tác động của ô nhiễm nước tới sức khỏe nhân dân, theo báo cáo thống kê của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi năm có tới 9.000 người tử vong vì nguồn nước ô nhiễm, có tới 200.000 trường hợp được phát hiện ung thư mà một nguyên nhân quan trọng là do sử dụng nước bị ô nhiễm.

Từ 28/3/2015 – 1/4/2015 nước ta đã chủ trì một sự kiện mang tính toàn cầu rất quan trọng: Đại hội đông Liên minh Nghị việc Thế giới Lần thứ 132 (IPU 132), do Quốc hội Việt Nam làm Chủ tịch. Ngày 31/3, Đại hội đã thông qua Nghị quyết về “Định hình cơ chế mới về quản trị nước: Thúc đẩy hành động của Nghị viện về vấn đề nước và vệ sinh”. Nghị quyết của IPU 132 đã kêu gọi nghị viện các nước biến lời nói thành hành động, trong đó cần đẩy mạnh ban hành các bộ luật nhằm thực hiện các công ước và điều luật quốc tế liên quan tới quản trị nước và quyền được tiếp cận với nước sạch và vệ sinh của con người. Nghị quyết cũng yêu cầu các nghị viện dành riêng khoản ngân sách hợp lý để thực hiện quản trị nước một cách hiệu quả. 

Để hưởng ứng Nghị quyết của IPU-132 và mở ra một diễn đàn thảo luận sâu sắc hơn về quản trị nước, đẩy lùi ô nhiễm nước tại Việt Nam, ngày 8/5, tại TP Hà Nội, Ủy ban Khoa học Công nghệ & Môi trường của Quốc hội, Bộ Tài nguyên & Môi trường, và Liên minh Nước sạch tổ chức hội thảo “Chính sách, pháp luật về kiểm soát ô nhiễm nước” với sự tham gia của các vị đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia của các Bộ, ngành để trao đổi về những bất cập trong chính sách và hệ thống văn bản hiện hành liên quan tới vấn đề kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm nước. 

Qua đó trao đổi và đề xuất giải pháp hành động để dừng và đảo ngược xu thế ô nhiễm nước đang ngày càng trầm trọng ở nước ta hiện nay. Trong đó cần xem xét đề xuất kiến nghị Quốc hội khóa XIV thực hiện giám sát tối cao về môi trường nước và đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội một Luật riêng về Kiểm soát ô nhiễm nước với tính thực thi cao như nhiều nước trên thế giới đã ban hành nhằm góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững của Việt Nam trong thế kỷ 21.