Thu hút đầu tư các dự án xử lý nước thải


Hồ chứa của Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa.

Để đạt mục tiêu đề ra, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2017 - 2020. Trong đó, lĩnh vực tài nguyên và môi trường, thành phố sẽ quyết tâm đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích cá nhân, tổ chức và cộng đồng tham gia công tác bảo vệ môi trường; khuyến khích mọi thành phần tham gia các dịch vụ thu gom, tái sử dụng, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải, nước thải và các dịch vụ bảo vệ môi trường khác. Thành phố đưa ra lộ trình phù hợp để điều chỉnh phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt, giá dịch vụ thoát nước phục vụ nhu cầu quản lý, vận hành hệ thống thoát nước, xử lý môi trường nước.

Ðại diện Trung tâm Ðiều hành Chương trình chống ngập thành phố cho biết, Trung tâm đang soạn thảo đề án giá dịch vụ thoát nước trên địa bàn, trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt trong năm nay. Mặc dù, giá dịch vụ thoát nước cho công tác thu gom, xử lý nước thải sẽ được thu dựa trên nguồn thải nước sinh hoạt hằng ngày của các hộ dân, tuy nhiên, đề án chưa cho biết mức giá cụ thể là bao nhiêu. Do đó, nhiều nhà đầu tư, cả trong và ngoài nước hiện rất muốn đầu tư vào lĩnh vực xử lý nước thải tại thành phố, nhưng chưa thể thực hiện bởi không lên được kế hoạch thu hồi vốn trong khi vốn đầu tư rất lớn. Theo các chuyên gia môi trường, một khi “chìa khóa” về khả năng thu hồi vốn được trao, sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực xử lý nước thải tại thành phố. Trước mắt, đáp ứng theo quy hoạch từ nay đến năm 2020, thành phố phải đầu tư hoàn thành bảy nhà máy xử lý nước thải, đạt tổng công suất xử lý khoảng 1,6 triệu m3/ngày (tương đương khoảng 88% so với quy hoạch).

Theo quy hoạch, thành phố sẽ đầu tư xây dựng 12 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị với tổng công suất xử lý đạt gần 1,9 triệu m3/ngày vào năm 2020 và tăng lên hơn 3 triệu m3/ngày vào năm 2030 mới có thể đáp ứng được yêu cầu về xử lý nước thải sinh hoạt cho thành phố. Tuy nhiên, đến nay thành phố mới chỉ có hai nhà máy xử lý nước thải là nhà máy Bình Hưng công suất 141.000 m3/ngày và Bình Hưng Hòa - lưu vực Bình Tân công suất 30.000 m3/ngày. Mới đây nhất, liên danh Lotte E&C - Huvis Water - Honor Shine Global đã đề xuất được đầu tư hệ thống cống bao và nhà máy xử lý nước thải cho ba lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm, Tây Sài Gòn và Bình Tân với tổng công suất giai đoạn 1 hơn 415.000 m3/ngày theo hướng nhập ba nhà máy được quy hoạch là Tân Hóa - Lò Gốm (168.000 m3/ngày), Tây Sài Gòn (138.000 m3/ngày) và Bình Tân (110.000 m3/ngày) thành một nhà máy quy mô lớn. Theo đề xuất trước đây của nhà đầu tư, tổng mức đầu tư được liên danh Lotte E&C đề xuất cho giai đoạn 1 là khoảng 350 triệu USD và giai đoạn 2 là khoảng 132 triệu USD theo hình thức hợp đồng xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao (hợp đồng BLT). Liên danh dự kiến sẽ hoàn thành và vận hành trước giai đoạn 1, với công suất 450.000 m3/ngày từ năm 2020 và nâng lên 650.000 m3/ngày sau năm 2020.

Trưởng phòng xử lý nước thải (Trung tâm điều hành chống ngập thành phố) Lưu Văn Tấn, cho biết, hiện nay, nước thải đô thị đã được xử lý đạt khoảng 10%. Mục tiêu đến năm 2020, thành phố sẽ nâng tỷ lệ này lên từ 60% đến 70% và năm 2025 sẽ đạt 100%. Theo danh mục 12 dự án xử lý nước thải mà thành phố đã lên kế hoạch xây dựng trong các năm tới, hiện, mỗi dự án có hàng chục doanh nghiệp trong và ngoài nước đăng ký đầu tư. Ông Tấn cho biết thêm, bước sàng lọc ban đầu của thành phố khi cho nhà đầu tư tư nhân tham gia các dự án là không để tổng chi phí đầu tư và giá xử lý nước thải quá cao hoặc, nhà đầu tư đưa ra giá ban đầu thấp nhưng công nghệ xử lý nước thải không đạt. Như vậy, chính sách thu hút đầu tư tư nhân là phù hợp trong tình hình ngân sách nhà nước trong lĩnh vực này còn eo hẹp. Ðiều quan trọng, thành phố cần có sự điều phối, có cơ chế mời gọi đầu tư rõ ràng, nhằm bảo đảm lợi ích cho các bên: Nhà nước, chủ đầu tư và người dân.

Theo bao: nhandan.com.vn