Tây Ninh: Làng nghề đúc gang nhôm thủ công gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Làng nghề đúc gang nhôm thủ công gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng -Ảnh: báo Tây Ninh
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hòa Thành: Hiện trên địa bàn ấp Trường Thọ vẫn còn 9 cơ sở đúc gang, nhôm đang hoạt động giữa khu dân cư , với nguyên liệu sản xuất chính là gang, nhôm, sắt phế liệu; nguyên liệu chất đốt là củi, than đá; có chu kỳ hoạt động trung bình 4 đến 5 lần/tháng/cơ sở, với thời gian hoạt động từ 18 giờ ngày hôm trước đến hết buổi sáng ngày hôm sau. Chủ yếu sản xuất ra các mặt hàng phụ kiện phục vụ cho máy móc sản xuất nông nghiệp, máy bơm nước, các linh kiện trong các nhà máy chế biến tinh bột sắn, nhà máy chế biến mía đường, cao su, phụ kiện ô tô, xe máy… Trong đó, 2 cơ sở đúc nhôm có công suất từ 300-600 kg/tháng; 5 cơ sở đúc gang có công suất từ 3 đến 8 tấn/tháng; 2 cơ sở đúc gang lớn có công suất từ 20 đến 25 tấn/tháng. Tất cả các cơ sở đều chưa thực hiện những biện pháp về bảo vệ môi trường như: Xử lý mùi hôi, sỉ than, bụi kim loại nặng, chất thải nguy hại từ dầu nhớt…
Ông Trần Văn Hòa, 69 tuổi, ngụ tổ 6, ấp Trường Thọ cho biết: Gia đình ông đã sống ở địa phương được gần 40 năm. Theo ông được biết các lò đúc gang, nhôm kể trên đã hoạt động từ rất lâu, nhưng chủ yếu sản xuất nhỏ. Tuy nhiên, vài năm gần đây các cơ sở này đã nâng công suất hoạt động, nên lượng khói bụi thải ra môi trường ngày càng nhiều, kèm theo khí thải nặng mùi, rất khó chịu, ảnh hưởng đến đường hô hấp, nhất là đối với trẻ nhỏ; dù đã nhiều lần kiến nghị các ngành chức năng nhưng vẫn chưa thấy xử lý.
Qua tìm hiểu thực tế, nhiều hộ dân sống xung quanh các cơ sở trên đều bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường xung quanh làng nghề đúc gang, nhôm thủ công thì, nhưng lo ngại bị trả thù nếu trực tiếp phản ánh về tình trạng trên.
Cũng theo ông Trần Văn Hòa, có lần gia đình ông đứng ra phản ánh với chính quyền địa phương thì vấp phải tình trạng bị các chủ cơ sở hăm dọa gay gắt, đòi trả thù gia đình nên rất hoảng loạn. Kể từ đó người dân ở địa phương không dám phản ánh nữa; “Riêng tôi đã im lặng lâu rồi, ức lắm, giờ đã gần 70 tuổi nên cũng không còn sợ gì nữa muốn trả thù cứ việc, muốn giết tôi thì giết cũng chả sao, hết sợ rồi” ông Hòa chia sẽ.
Trao đổi về cách xử lý môi trường ở Cơ sở đúc gang Hồ Thanh Kiên, tại ấp Trường Thọ, xã Trường Hòa, bà Lê Thị Ngọc Mỹ, chủ cơ sở cho biết, lò đúc gang kể trên đã hoạt động được trên 20 năm, hiện tại chỉ che chắn khói bụi tạm thời, còn hệ thống xử lý thì chưa có, với lý do cơ sở không đủ kinh phí thực hiện và cũng không biết đơn vị nào đủ năng lực thi công công trình xử lý đạt chuẩn, nên cứ chờ.
Theo ông Trần Văn Chi, 41 tuổi, chủ cơ sở Trần Chi, tại 46/1, ấp Trường Thọ, đây là nghề truyền thống của gia đình đã hơn 60 năm, được truyền từ đời ông, cha. Mỗi tháng chỉ đúc khoảng 20 tấn, với số lượng công nhân làm việc là 20 người. Hơn 5 năm trước có đầu tư hệ thống xử lý bụi tạm thời, nhưng đến nay đã lạc hậu và hư hỏng không còn hoạt động nên không xử lý được bụi; còn hệ thống xử lý mùi hôi và chất thải thì chưa đầu tư; đã có dự định triển khai đầu tư, nhưng chi phí quá cao (200 đến 300 triệu) nên không đủ vốn để thực hiện.
Đó là cái khó của các chủ cơ sở đúc gang, nhôm hiện nay. Tuy nhiên điều đáng lo ngại nhất hiện nay là khi bụi kim loại nặng, chất dầu nhớt bị đốt phát tán ra không khí và ngấm vào mạch nước ngầm lâu ngày sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân nơi đây, khi trực tiếp sử dụng nguồn nước giếng khoan cho mọi sinh hoạt, ăn uống hàng ngày.
Ông Lâm Thanh Bình, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hòa Thành cho biết: Trong thời gian qua, Phòng đã nhiều lần phối hợp với UBND xã Trường Hòa kiểm tra, phúc tra nhắc nhở các cơ sở trên, thực hiện việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải, khói bụi, khí thải, tiếng ồn đạt theo yêu cầu, nếu không sẽ có biện pháp xử lý triệt để. Nhưng hiện các cơ sở này vẫn chưa thực hiện các biện pháp về bảo vệ môi trường. Vì đây là làng nghề truyền thống, giải quyết nhiều lao động cho địa phương nên Phòng mới chỉ lập biên bản nhắc nhở và phối hợp với địa phương vận động, chứ chưa xử lý mạnh tay. Tuy nhiên, Phòng đã gia hạn đến hết quý II/2016, các cơ sở trên phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý khí thải đạt quy chuẩn môi trường thì mới cho hoạt động.