Sông ngòi “oằn mình” chịu ô nhiễm
Trăm thứ đổ xuống sông Dinh
Ông Huỳnh Tấn Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường 12, TP. Vũng Tàu cho biết, trên địa bàn phường 12 có khoảng 40 cơ sở, nhà máy chế biến hải sản nằm trên bờ sông Dinh. Theo quy định, các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực này phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường. Nhưng nhiều năm nay, không những nước thải sản xuất, rác thải sinh hoạt từ nhiều nhà máy chế biến hải sản, mà chất thải của thuốc trừ sâu, chế phẩm sinh học... do người dân dùng trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các loại dầu rửa tàu thuyền từ các cơ sở hoạt động dịch vụ cảng đều thải thẳng xuống sông đã làm cho sông Dinh ngày càng ô nhiễm.
Mọi rác thải sinh hoạt của các hộ nuôi trồng hải sản đều xả thẳng xuống sông Dinh.
Dọc theo hạ nguồn sông Dinh, ngoài các cơ sở chế biến hải sản còn có hàng trăm nhà nổi của các hộ nuôi trồng hải sản trên sông. Mọi sinh hoạt của người dân từ ăn uống, tắm rửa, vệ sinh cá nhân đến các hoạt động nuôi trồng, súc rửa lưới cá… đều được xả thẳng xuống sông Dinh. UBND phường 12 (TP. Vũng Tàu) và Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn đã phối hợp tổ chức đợt kiểm tra hoạt động nuôi trồng hải sản trên sông. Qua kiểm tra cho thấy, các hộ nuôi trồng hải sản trên sông Dinh đều không có giấy phép hoạt động, gây ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự an toàn giao thông đường thủy và là một trong những nguyên nhân chính khiến tình trạng ô nhiễm môi trường trên sông ngày càng diễn biến phức tạp. Trước tình trạng đó, UBND TP. Vũng Tàu đã thông báo đến các hộ nuôi trồng hải sản trên sông Dinh phải di dời lồng bè trước ngày 15-4. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 1/3 trong tổng số khoảng 60 lồng bè trên khu vực sông Dinh (đoạn từ Hải đoàn 128 đến cầu Cửa Lấp) di dời.
Cũng trong chuyến khảo sát khu vực hạ nguồn sông Dinh, bằng mắt thường dễ nhận thấy tại khu vực này có nhiều dầu, mỡ kết thành từng mảng trên sông; thậm chí có nơi có một lượng dầu lớn dày khoảng 5-10mm với diện tích hàng chục mét vuông đóng lại ven bờ. Lượng nước ô nhiễm này sẽ đổ ra biển qua vịnh Gành Rái và khó tránh khỏi tình trạng nước thải nhiễm dầu, mỡ ở đây “tuần hoàn” lại khu vực các bãi biển, nuôi hải sản ở TP. Vũng Tàu.
Và tích tụ ở những nhánh sông
Không những khu vực lòng rộng của sông Dinh đã bị ô nhiễm, các nhánh của sông Dinh như sông Cửa Lấp, sông Cỏ May cũng là nơi tích tụ các chất thải chưa qua xử lý.
Chúng tôi theo con hẻm 1750 đường 30-4 (phường 12, TP.Vũng Tàu) - con đường đi qua khu dân cư để ra phía sông Cửa Lấp. Càng đi sâu vào cuối hẻm, mùi hôi càng bốc lên nồng nặc. Sông Cửa Lấp chảy qua địa phận phường 12 hiện ra trước mắt chúng tôi với một màu đen ngòm, đóng thành từng mảng và bốc mùi hôi thối. Bà Lê Thị Thúy (ở nhà số 1750/50 đường 30-4, phường 12, TP. Vũng Tàu) cho biết: “Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm trên sông Cửa Lấp ngày càng nặng nề hơn. Vào những ngày trời mưa hoặc khi gió chướng, người dân ở đây không ai chịu nổi mùi hôi thối, nhà nào cũng phải đóng bít cửa và ở hẳn trong nhà”. Theo ông Trần Đăng Tài, Cán bộ địa chính, xây dựng và môi trường phường 12, nguyên nhân chính của tình trạng này là do nguồn nước thải chưa qua xử lý của các doanh nghiệp chế biến hải sản trong khu dân cư xả thẳng ra sông.
Ống xả nước thải của các doanh nghiệp chế biến hải sản trên địa bàn phường 12 xả nước đục ngầu, có lẫn cả xác cá ra nhánh sông Cửa Lấp.
Dọc theo những bãi đất ngập mặn, chúng tôi lần theo hệ thống đường ống xả thải dài khoảng 1km đi qua tổ 77 (khu phố 6, phường 12) của các cơ sở chế biến hải sản thải ra nhánh sông Cỏ May. Theo quan sát của chúng tôi, dòng nước thải ra môi trường từ đường ống này có màu trắng đục, thậm chí xác những con cá nhỏ vẫn còn nguyên vẹn cũng được xả thẳng ra sông. Không cần phải quan trắc, thử mẫu, bằng mắt thường ai cũng có thể nhận biết đây là nước thải chưa qua xử lý. Theo giải thích của ông Tài, có khoảng 10 cơ sở chế biến hải sản xả thải ra nhánh sông Cỏ May nhưng lại xả thải chung một hệ thống đường ống. Đã nhiều lần các đoàn thanh tra về môi trường kiểm tra, lấy mẫu nước thải của riêng từng doanh nghiệp thì đạt chuẩn nhưng khi thải ra đường ống chung này lại là nước thải chưa qua xử lý.
Không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân địa phương, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản ở khu vực này đã phải bỏ đùng mà đi vì cá chết, tôm mất mùa... vì nguồn nước ô nhiễm. Anh Nguyễn Văn Vinh, một người làm đùng ở đây cho biết: “Trước đây người dân nuôi tôm, nuôi cá, cua, ghẹ… lứa nào cũng thắng. Nhưng đã nhiều năm nay, khoảng gần 50 đùng nuôi ở tổ 77 nay chỉ còn khoảng 10 đùng còn nuôi tôm cá, còn lại phải “treo” đùng đi làm thuê việc khác kiếm ăn vì tôm chết, cá mất, cua ghẹ cũng không sống nổi vì nguồn nước ô nhiễm”.
Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các ngành chức năng của tỉnh và TP. Vũng Tàu đã kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp chế biến hải sản đầu tư hệ thống xử lý nước thải trước khi ra môi trường, đồng thời có những biện pháp chế tài mạnh mẽ với các doanh nghiệp vi phạm. Tuy nhiên, cũng còn không ít các doanh nghiệp chưa tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường. Một số doanh nghiệp có biểu hiện đối phó với cơ quan chức năng khi thanh tra, kiểm tra. Còn thực tế, sau các cuộc kiểm tra, nhiều doanh nghiệp vẫn lén lút xả thải ra sông.