Nước thải nhà máy Cồn gây chết người, ô nhiễm môi trường
Theo phản ánh của người dân, việc xả thải ra môi trường của Nhà máy Cồn đã làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và đất canh tác của họ. Để “mục sở thị” những gì người dân phản ánh, chúng tôi đã tìm về nơi “rò rỉ” nước thải của nhà máy này.
Như những gì người dân phản ánh, một dòng nước đen kịt, bốc mùi hôi thối chảy ồ ạt trực tiếp từ hồ sinh học chứa nước thải của Nhà máy Cồn xuất khẩu đang tràn qua con kênh nước thải sinh hoạt của cư dân và chảy tràn vào đồng ruộng. Không những thế con kênh chứa nước thải này còn chảy thẳng ra sông Chu.
Những hồ sinh học xung quanh nhà máy bốc mùi hôi thối quanh năm, là nỗi khiếp đảm của người dân
Một hộ gia đình làm nghề mộc sống ven con kênh nước thải này cho biết: “Việc Nhà máy Cồn xuất khẩu xả thải trực tiếp ra con kênh này vẫn diễn ra lâu nay. Đặc biệt là vào các buổi tối, họ còn xả mạnh hơn. Chúng tôi sống ngay bên cạnh nên bị ảnh hưởng từ mùi hôi thối xú uế bốc lên từ nước thải của họ rất kinh khủng”
Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, Nhà máy Cồn xuất khẩu có công suất 25 triệu lít/năm, là một trong những đơn vị thành viên của Cty CP Mía đường Lam Sơn (có trụ sở tại thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa). Nhà máy Cồn xuất khẩu cũng được đóng ngay bên cạnh tổng công ty để tận dụng nguồn nguyên liệu mật mía sản xuất cồn.
Nước thải từ sự cố của nhà máy cồn tràn vào con kênh chạy thẳng ra sông Chu
Trao đổi với PV về vấn đề trên, ông Lê Văn Thanh – Tổng Giám đốc Cty CP Mía đường Lam Sơn thừa nhận sự việc Nhà máy Cồn có để tràn nước thải ra môi trường thời gian vừa qua là đúng sự thật. Nguyên nhân của sự việc trên bắt đầu vào khoảng giữa tháng 7, Nhà máy Cồn mới phát hiện ra sự cố rò rỉ bể chứa mật cháy, cộng thêm mấy hôm vừa qua trời mưa liên tục nên chất thải đã theo nước mưa tràn ra bên ngoài.
Ông Trần Quốc Vinh – Phó Tổng GĐ Cty CP Mía đường Lam Sơn cho biết thêm: “Nhà máy Cồn xuất khẩu đã dừng sản xuất từ ngày 2/6, để chờ đến vụ ép tiếp theo. Việc rò rỉ bể chứa mật cháy ra môi trường là một sự cố đáng tiếc, chúng tôi cũng đã có thương lượng với người dân nơi phải chịu hậu quả để đưa ra phương án đề bù và đã được bà con đồng ý chấp thuận.”
Rồi tràn ra đồng ruộng
Theo tiêu chuẩn thiết kế của Nhà máy Cồn xuất khẩu thì nhà máy đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo công nghệ Thụy Sỹ. Nhưng một kỹ sư trong đoàn làm việc của Ban lãnh đạo Cty CP Mía đường Lam Sơn cho chúng tôi biết thêm: “Tuy được đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo công nghệ của Thụy Sỹ, nhưng sau 2 năm chạy thử thì hệ thống xử lý này không đạt tiêu chuẩn và rất tốn điện.”
Được biết, nước thải sản xuất từ Nhà máy Cồn được xử lý qua bể yếm khí có dung tích 15.000m3, sau đó xả thải ra bể trung hòa rồi qua 2 bể trộn vi sinh và qua bể lắng, cuối cùng bơm đi tưới mía; Nước thải từ hồ Bặn chủ yếu là nước vệ sinh công nghiệp và nước mưa.
Trong thời gian vừa qua, do hệ thống bể xử lý nước thải của Nhà máy Cồn gặp sự cố, phần bạt phủ của bể yếm khí bị hư hỏng nên nước thải không được xử lý theo quy trình công nghệ nên mới dẫn đến việc tràn ra ngoài môi trường. Chất thải chưa được xử lý này sẽ theo dòng kênh chảy trực tiếp ra sông Chu.
Hiện, người dân nơi đây đang rất lo lắng về việc phải hứng chịu nguồn xả thải trực tiếp của nhà máy ra môi trường.
Khoảng 7h20’ ngày 5/8/2013, trong khi đang thau bể nước thải (bể có chứa sắc men) 3 công nhân của Nhà máy Cồn đã gặp nạn. Anh Đoàn Văn Hùng (32 tuổi) ở xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân là công nhân của nhà máy Cồn đã bị tử vong do hít phải khí độc dưới bể.
2 công nhân còn lại là Phạm Văn Huỳnh ( SN 1971) và Nguyễn Văn Thức ( SN 1982) phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện Ngọc Lặc trong tình trạng nguy kịch.
Theo ông Phạm Văn Chinh - Chủ tịch công đoàn của Cty CP Mía Đường Lam Sơn cho biết, khi vệ sinh lật 4 tấm bạt ở dưới đáy bể lên thì khí ở dưới đã phun lên trực tiếp vào mặt anh Hùng khiến anh phải ngã gục mặt xuống nước, hai người còn lại đến cứu thì cũng bị ngất luôn.