Khó đạt mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường TPHCM

 
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, TPHCM cần đầu tư hạ tầng kiểm soát chất thải, tăng chế tài đối với những trường hợp vi phạm
 
Kỳ vọng mục tiêu cao
 
Mục tiêu nhằm giảm thiểu hiện trạng ô nhiễm môi trường giai đoạn từ nay đến năm 2020 được xác định là 100% nước thải công nghiệp và nước thải y tế được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn môi trường; 55% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị, 90% nguồn khí thải công nghiệp được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường; giảm 90% mức độ ô nhiễm nguồn nước mặt, 70% mức độ ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông so với mức năm 2011; tiếp tục kiểm tra, giám sát, duy trì 100% khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp (có chủ đầu tư cơ sở hạ tầng) có hệ thống xử lý nước thải tập trung và hệ thống quan trắc nước thải tự động có đường truyền dữ liệu về cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường để kiểm tra, giám sát...
 
Ông Trần Nguyên Hiền, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), cho biết giải pháp để thực hiện những mục tiêu này cụ thể là tăng cường kiểm tra, giám sát các nguồn thải; xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm; triển khai chương trình xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường và cơ sở không phù hợp quy hoạch. Duy trì các trạm quan trắc chất lượng nước thải tại các khu công nghiệp. Với những cụm công nghiệp và doanh nghiệp có nguồn thải với lưu lượng từ 1.000m³/ngày trở lên sẽ phải thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục và truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định, nhằm phục vụ giám sát và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ nằm ngoài khu công nghiệp có quy mô xả thải dưới 1.000m³/ngày và có nguy cơ tác hại đến môi trường cũng sẽ được khuyến khích lắp đặt thiết bị quan trắc tự động.
 
Đối với xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, tăng cường kêu gọi đầu tư và triển khai nhanh tiến độ các công trình thu gom, xử lý nước thải đô thị tập trung. Bên cạnh đó, đẩy nhanh việc thực hiện các dự án cải tạo hệ thống thoát nước, thu gom và xây dựng hệ thống xử lý nước thải đô thị tập trung. Triển khai có hiệu quả các dự án cải tạo, nạo vét kênh rạch kết hợp duy trì và đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không xả chất thải xuống kênh rạch… Quan trọng hơn, thành phố sẽ tổ chức phối hợp với các tỉnh có hệ thống kênh rạch giáp ranh, nhằm kiểm soát, chia sẻ thông tin chất lượng nước xả thải vào nguồn nước. Sở cũng sẽ đề xuất UBND TP đầu tư, mở rộng các trạm quan trắc chất lượng nước mặt, khí thải nhằm thường xuyên giám sát chất lượng môi trường nước của hệ thống các sông, kênh rạch cũng như kịp thời theo đánh giá diễn biến chất lượng không khí.
 
Thiếu hạ tầng và rối quản lý
 
Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Đình Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, cho rằng thành phố đang thiếu cơ sở thực tế để thực hiện những mục tiêu nói trên. Đơn cử, theo báo cáo về thực tế ô nhiễm không khí giai đoạn 2011-2015 của Sở Tài nguyên và Môi trường, nồng độ các chất ô nhiễm không khí đã giảm dao động từ 24% đến 46% tùy mỗi loại chất khác nhau. Cơ sở này căn cứ từ đâu khi mà lượng phương tiện giao thông liên tục tăng qua các năm? Bởi chỉ tính riêng trong 5 năm qua, lượng xe tham gia giao thông đã tăng lên gấp đôi từ 4 triệu xe lên đến 8,5 triệu xe các loại.
 
Để kiểm soát được mức độ ô nhiễm khí thải cần phải có hệ thống hạ tầng quan trắc diễn biến chất lượng khí thải. Thế nhưng, toàn bộ thông số đo đạc ô nhiễm khí thải hiện nay phụ thuộc vào kết quả quan trắc bán tự động tại 16 điểm, tương ứng khoảng 128,5km mới có một trạm quan trắc đo đạc chất lượng khí thải, là quá mỏng. Mặt khác, thời gian đo đạc lại không phù hợp do thường đo vào thời gian xe tải chưa được vào thành phố. Vậy những thông số đo đạc diễn biến ô nhiễm không khí thu được liệu có đủ độ tin cậy?
 
Theo PGS-TS Phùng Chí Sỹ, để có thể xử lý được tình trạng ô nhiễm hệ thống kênh rạch nhất thiết phải hoàn thành được những nhà máy xử lý nước thải đô thị. Tuy nhiên, chưa có cơ sở nào để có thể khẳng định chắc chắn rằng những nhà máy xử lý nước thải có thể đi vào hoạt động đúng như dự kiến năm 2020. Vậy căn cứ nào để thực hiện mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm chất lượng nguồn nước kênh rạch? Bên cạnh đó, thực tế kiểm tra vừa qua cho thấy các cơ quan chức năng chỉ mới tập trung kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp vi phạm gây ô nhiễm môi trường lớn. Còn với những doanh nghiệp nhỏ và người dân vi phạm vẫn chưa xử lý được. Không những thế, tình trạng rối rắm trong công tác quản lý môi trường nhiều năm qua của thành phố chưa được khắc phục, cũng khiến cho công tác quản lý môi trường kém hiệu quả. Điển hình nhất là tình trạng phân tán quản lý chất lượng môi trường cho các quận - huyện và các cơ quan chức năng liên quan, thay vì phải nhất quán, tập trung ở một cơ quan nhất định. Kết quả là dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”. Những khu vực giáp ranh các quận, huyện hoặc hệ thống kênh rạch vẫn đang bị đặc quánh vì rác thải và chất thải ô nhiễm.
 
Do đó, để không bị lỗi hẹn với người dân về mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường, lãnh đạo thành phố cần quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư hạ tầng kiểm soát chất thải, tăng cường công tác chế tài đối với những trường hợp vi phạm môi trường. Đặc biệt là hợp nhất công tác quản lý môi trường. Có như vậy mới có tổng tư lệnh ngành cho những vấn đề nóng của môi trường TPHCM.