Hệ thống xử lý nước thải tại các chung cư trên thế giới

 
 

Tại quốc gia đông dân Ấn Độ, nhu cầu sử dụng nước gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây. Lượng nước tiêu thụ tăng từ 30-111 tỷ m3, đi cùng với đó là lượng nước qua sử dụng từ khu vực dân cư cũng không hề nhỏ. Trong khi công nghệ xử lý nước thải hiếu khí và kị khí thông thường phải lắp đặt trên mặt bằng rộng, cần năng lượng không nhỏ để vận hành và chi phí bảo dưỡng cao, Ấn Độ đã phát triển hệ thống xử lý nước thải sinh học cho các tòa nhà dân cư động sử dụng công nghệ được cấp bằng sáng chế “Phytorid”, được phát triển bởi Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Môi trường (NEERI), Mumbai. Công nghệ này vận hành không cần dùng điện, đòi hỏi nhân lực tối thiểu và các loại thực vật trong tự nhiên để đạt được mức độ xử lý nước thải như mong muốn. Phytorid sử dụng cơ chế tự nhiên để xử lý nước thải với chi phí thấp. Công nghệ này được sử dụng cho các tòa nhà cao tầng ở Mumbai, trung tâm đô thị của Ấn Độ.

Ngay cả những căn hộ chung cư sử dụng ít hơn 5.000l nước mỗi ngày thì cũng cần phải có một hệ thống tái chế nước thải trong đó nước thải sẽ được xử lý để tái sử dụng thay cho nước sạch, không chỉ đơn giản là xử lý nước thải trước khi đưa ra ngoài môi trường một cách an toàn. Nước thải sau khi được xử lý không chỉ được sử dụng để tưới cây, cỏ mà còn thế dùng cho nhiều mục đích khác như cung cấp nước cho hồ bơi, dùng rửa xe. Nước sau khi được xử lý sẽ được đưa vào một đường ống riêng chạy song song với đường ống cung cấp nước sạch, tuy nhiên nước này không dùng để uống.

Tại Mỹ, việc thiết kế và xây dựng cơ sở xử lý và tái chế nước thải cho các tòa chung cư đã đem lại những hiệu quả cao cho những thành phố nơi nguồn nước có hạn. Manhattan, thành phố có 9 triệu dân, việc áp dụng phương pháp tái chế nước thải tại các khu dân cư có mật độ cao được xem là một giải pháp chiến lược nhằm đảm bảo việc sử dụng nước hiệu quả của người dân.

Một ví dụ điển hình là hệ thống xử lý và tái chế nước thải cho tòa chung cư cao tầng Solaire ở Manhattan. Cơ sở xử lý nước thải của tòa nhà này có thể xử lý được 25.000 gallon nước thải mỗi ngày. Nước thải sau khi được xử lý sẽ được tái sử dụng làm nước xả nhà vệ sinh cho 293 căn hộ của tòa nhà, làm mát tòa nhà và tưới cây ở sân thượng. Nhờ áp dụng phương pháp xử lý nước thải này có thể tiết kiệm được 35% tổng mức tiêu thụ năng lượng của tòa nhà.

Singapore là một trong những quốc gia quản lý nhu cầu về nước một cách hiệu quả nhất trên thế giới. Bằng việc áp dụng một chiến lược quản lý nước bền vững, Singapore đã đảm bảo một nguồn cung cấp nước ổn định có khả năng phục vụ cho sự phát triển liên tục của đất nước. Trong đó, tái chế nước thải ở các khu dân cư đặc biệt là các tòa chung cư cao tầng luôn được chú trọng. Hệ thống xử lý nước thải bao gồm: 1 bể chứa tiền xử lý, bảng điều khiển, một bộ lọc đa phương tiện, máy bơm, 1 bể hậu xử lý, van áp và chuyển mạch, bộ bơm tăng áp, hệ thống định lượng clo và khử trùng UV. Thông thường, hệ thống xử lý nước thải được thiết kế một bộ vi lọc và khử trùng đảm bảo xử lý nước ổn định và tuân theo yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng. Hệ thống định lượng clo khử trùng nước đảm bảo cung cấp nước vô trùng và dư lượng clo được duy trì trong suốt thời gian lưu trữ.

Tại Việt Nam, cùng với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ những năm qua, nhu cầu về nhà ở, nơi làm việc ngày càng tăng. Chính vì vậy đã có rất nhiều các tòa nhà, chung cư, cao ốc, văn phòng mọc lên. Theo quy định, các chung cư, khu dân cư mới phải có đánh giá tác động môi trường, xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Đây cũng là điều kiện cần phải có để cấp phép xây dựng và nghiệm thu hoàn công công trình. Tuy nhiên nhìn trên bình diện tổng thể, vấn đề xử lý nước thải các tòa nhà chung cư, cao ốc ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức, nhiều cơ sở còn mang tính chất đối phó; trong khi hệ thống xử lý nước thải tại nhiều tòa nhà khác thì cũ kỹ và hoạt động không thực sự hiệu quả. Thậm chí nhiều chung cư, tòa nhà còn xả thải thẳng ra môi trường.