Hệ lụy từ việc khai thác cao lanh tràn lan ở Phú Thọ
Khai thác cao lanh tràn lan -Ảnh: TL
Theo ghi nhận của phóng viên, tại các xã Dị Nậu, huyện Tam Nông và xã Tân Phương, huyện Thanh Thủy, những quả đồi lở loét, nham nhở vết đào bới do khai thác cao lanh. Những núi chất thải, đất đá được tập kết trong quá trình bóc tầng, sàng tuyển... sẵn sàng đổ ụp xuống khi có mưa lũ đã khiến cho hoạt động khai thác cao lanh đang ẩn chứa nhiều hiểm họa không chỉ đối với môi trường, mà còn ảnh hưởng đến hàng chục héc ta đất trồng lúa của những người dân trong khu vực...
Ông Hán Vinh Khánh, Chủ tịch UBND xã Dị Nậu cho biết, do ảnh hưởng của mưa bão kéo dài, hàng ngàn khối chất thải, đất đá bị tích tụ trong quá trình khai thác cao lanh của Công ty cổ phần khoáng sản Hùng Vương và Công ty trách nhiệu hữu hạn Thành Phương đã bị rửa trôi, xô lấp... khiến hơn 8,7 ha đất ruộng và 30 hộ dân bị ảnh hưởng vào cuối năm 2015.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo hai công ty này đã cùng lãnh đạo UBND xã, đồng thời làm việc với các hộ dân để tính toán mức độ thiệt hại và có kế hoạch hỗ trợ, khôi phục lại diện tích đất canh tác bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, việc những thửa ruộng bị rửa trôi, xô lấp đã dẫn đến hệ lụy là tại những thửa ruộng này phải mất một thời gian dài mới khắc phục được. Trong khi đó, nhiều người dân cho rằng, ngoài việc bị ảnh hưởng đến đất sản xuất nông nghiệp thì việc khai thác cao lãnh bừa bãi đã dẫn đến nhiều tuyến đường bị băm nát, hư hỏng do những xe vận chuyển cao lanh chạy qua, gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân…
Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần khoáng sản Hùng Vương cho hay, sự việc hơn 8,7 ha đất canh tác bị xô lấp làm ảnh hưởng đến sản xuất của các hộ dân là việc ngoài ý muốn của hai Công ty. Doanh nghiệp đã bàn bạc, thỏa thuận với các hộ dân thông qua sự giám sát của chính quyền địa phương để có phương án hỗ trợ thiệt hại.
Với những diện tích bị mất trắng, Công ty sẽ tiến hành hỗ trợ theo sản lượng thực tế; đối với diện tích bị thiệt hại nhỏ và bị xô lấp... Công ty sẽ hỗ trợ phân bón để người dân cải tạo đất và san gạt, bóc toàn bộ lớp bùn trên diện tích ruộng bị xô lấp; nạo vét hệ thống suối, mương thải để tăng khả năng thoát thải trong thời gian tới.
Còn tại xã Tân Phương, huyện Thanh Thủy, nơi có 4 công ty hoạt động khai thác cao lanh diễn ra nhiều năm qua, những con đường lầm bụi đất và lổn nhổn đá sỏi do hoạt động vận tải thường xuyên. Tại khai trường của một số công ty trong khu vực, chứng kiến những khối đất đá chất thải khổng lồ tập kết trong quá trình bóc tầng, mới thấy nguy cơ sạt trượt tại những khu vực trên có thể diễn ra bất cứ lúc nào.
Ông Trần Dần, Chủ tịch UBND xã Tân Phương, huyện Thanh Thủy, thừa nhận: Các công ty chủ yếu vận chuyển cao lanh sau khai thác từ khu Hữu Khánh ra tỉnh lộ 317, với lưu lượng lớn khiến tuyến đường này xuống cấp và khá bụi bặm. Cũng theo Chủ tịch UBND xã, tất cả các lối ra tỉnh lộ 317, hệ thống đường của xã đều bị xuống cấp, kể cả đường bê tông, dù UBND xã đã yêu cầu các công ty mở tuyến đường riêng để tránh làm hư hại hệ thống giao thông nông thôn của địa phương. Việc khai thác và vận chuyển cao lanh bừa bãi đã khiến nhiều tuyến đường bị xuống cấp, nhiều diện tích đất canh tác ở các khu 5, 6, 7 bị bồi lấp. Dù các Công ty sau đó có tiến hành khắc phục, hỗ trợ thiệt hại, nhưng chắc chắn những “sự cố cao lanh” khi mưa bão kéo dài thời gian tới sẽ tiếp tục lặp lại trên địa bàn! Mặc dù người dân đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời, nhưng với khối lượng chất thải khá lớn còn đang bị đắp đống dọc lối vào khai trường, thì những sự cố tiếp theo do ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai, không ai dám chắc sẽ dừng ở khu vực này.
Nhiều hộ dân vẫn phải sống chung với “sự cố bất cứ khi nào, chưa kể đến những tuyến đường đang ngày đêm bị tàn phá nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Anh Tùng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Thủy xác nhận, thời điểm hiện tại, trên địa bàn xã Tân Phương có 4 công ty tham gia khai thác cao lanh, tuy nhiên Công ty trách nhiệm hữu hạn YFA đã hết phép khai thác và đang chờ gia hạn. Ông Tùng cho biết thêm, việc giám sát về môi trường, quá trình khai thác, được các cơ quan phối hợp triển khai thường xuyên. Tuy nhiên, trên thực tế, một số đơn vị khai thác không thực hiện đúng với quy định, việc mua đi, bán lại mỏ cao lanh cho người khác vẫn có, dẫn đến nhiều hệ lụy…
Đáng lưu ý là trong khi người dân ở Phú Thọ nói chung và người dân nằm trong khu vực khai thác cao lanh nói riêng đang rất bức xúc trước tình trạng khai thác cao lanh tràn lan trên địa bàn, thậm chí một số công ty đã hết phép, đang chờ gia hạn thì ngay cả các cơ quan quản lý địa phương cũng chưa biết, liệu trong tương lai khi hết thời hạn khai thác, các đơn vị có thể hoàn nguyên môi trường lại như cũ hay không. Các ngành liên quan tỉnh Phú Thọ cần chấn chỉnh việc khai thác cao lanh tràn lan, làm ảnh hưởng đến môi trường, xáo trộn cuộc sống của người dân như hiện nay.