Góp ý dự thảo Hướng dẫn hòa giải tranh chấp môi trường
Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Văn Lợi, Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường, trong thời gian qua, ở Việt Nam đã phát sinh nhiều vụ khiếu nại, tranh chấp về môi trường, tuy nhiên, việc giải quyết, xử lý các tranh chấp môi trường còn mang nặng tính hành chính, dẫn đến tình trạng khiếu nại kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân và khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Thực trạng này khiến Bộ Tài nguyên và Môi trường thấy cần thiết phải có văn bản hướng dẫn hòa giải tranh chấp môi trường. Trên cơ sở đó, Viện Khoa học Môi trường đã nghiên cứu và đến nay đã có bản dự thảo Hướng dẫn hòa giải tranh chấp môi trường.
Văn bản này được xây dựng trên cơ sở chính là Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Nghị định 03 của Chính phủ về xác định thiệt hại đối với môi trường; ban hành dưới dạng một thông tư hướng dẫn do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành. Theo điều 6 của dự thảo Hướng dẫn, sẽ thành lập Ủy ban hòa giải tranh chấp môi trường xuyên suốt từ cấp trung ương cho đến cấp xã. Ở cấp trung ương, Ủy ban này sẽ do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm trưởng ban, cấp tỉnh sẽ do Phó chủ tịch tỉnh làm trưởng ban.
Ủy ban có trách nhiệm giải quyết tranh chấp môi trường, về trách nhiệm xử lý, về khắc phục hậu quả môi trường, về trách nhiệm bồi thường giữa các cá nhân, tổ chức bằng phương pháp tổ chức cuộc họp hòa giải. Trên cơ sở biên bản hòa giải tại cuộc họp, các bên liên quan có trách nhiệm thực hiện những điều đã thống nhất trong biên bản. Trường hợp không thực hiện theo biên bản hòa giải, các bên có thể khởi kiện.
Trao đổi tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, tranh chấp môi trường đang là một vấn đề bức xúc hiện nay, cần có biện pháp giải quyết và dự thảo Hướng dẫn hòa giải tranh chấp môi trường là một biện pháp hữu ích. Tuy nhiên, để dự thảo Hướng dẫn được ban hành và áp dụng thực tiễn thì còn nhiều điều mà ban soạn thảo cần nghiên cứu.
Theo đại diện Phòng pháp chế, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, dự thảo không nên chỉ dừng lại ở dạng ban hành văn bản hướng dẫn mà tổ soạn thảo cần nâng cấp, đề xuất ban hành theo dạng Nghị định của Chính phủ thì mới có “sức nặng” trong việc tổ chức thực hiện. Mặt khác, nếu chỉ ban hành theo văn bản hướng dẫn thì việc thành lập Ủy ban giải quyết tranh chấp môi trường xuyên suốt từ cấp trung ương xuống cấp cơ sở là khó khả thi.
Còn theo đại diện Bộ Tư pháp, ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ những Bộ luật, Luật, Nghị định liên quan đã ban hành như Bộ Luật dân sự 2015, Luật Hòa giải cơ sở, Luật Bảo vệ môi trường 2014, các nguyên tắc giải quyết tranh chấp đất đai, tranh chấp thương mại…để từ đó tham chiếu áp dụng vào trường hợp tranh chấp môi trường cụ thể, do khái niệm môi trường là rất rộng. Đồng thời, việc tham chiếu cũng sẽ tránh được tình trạng chồng chéo Luật, Nghị định đã ban hành, gây lúng túng cho người thực hiện.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Văn Lợi, Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường cho biết: Tổ soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến tại hội thảo để có những điều chỉnh hợp lý.