Dự án trên đảo Song Tử Tây nhận giải quốc tế về môi trường

Để nhận được giải thưởng "National Award Vietnam 2016" của tổ chức Energy Globe, các kỹ sư đã phải nghiên cứu, thử nghiệm trong suốt 200 ngày.

Đây là giải thưởng quốc tế uy tín nhằm tôn vinh những dự án có khả năng giải quyết các vấn đề về môi trường. Trên đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa - Việt Nam), mỗi ngày, hệ thống có thể cung cấp khoảng 18.000 lít nước sạch, được vận hành bằng nguồn điện gió, năng lượng mặt trời được lắp đặt trước đó trên đảo. Ước tính mức tiêu thụ hàng ngày vào khoảng 90KWh từ nguồn năng lượng sạch sẽ giúp tiết kiệm 9 lít dầu diesel (3.385 lít một năm), do đó mỗi năm giảm 9.071 kg khí thải.

Với hệ thống lọc nước biển bằng năng lượng sạch thì vấn đề về nguồn nước sinh hoạt và môi trường trên đảo đã phần nào được giải quyết. Năm 2016 là lần thứ hai liên tiếp dự án thực hiện trên quần đảo Trường Sa được trao giải, trước đó là dự án “Thắp sáng Trường Sa” (năm 2012).

Hệ thống của cả 2 dự ánán đều được giám sát từ xa thông qua SSOC (Solar System Operation Center) do chính những kỹ sư này phát triển. SSOC cho phép lưu trữ và phân tích dữ liệu hoạt động, để nhanh chóng đưa ra các biện pháp phòng ngừa hay khắc phục khi có sự cố. Nhờ giải pháp này, khoảng cách giữa hải đảo và đất liền đã được rút ngắn rất nhiều.

Trước đây, chẳng ai ngờ rằng 48 điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 sẽ có ánh điện vào ban đêm; quân và dân huyện đảo Song Tử Tây chủ động được nguồn nước ngọt ở vùng có độ nước mặn 35/1.000. Mặt khác, chẳng ai nghĩ rằng một đơn vị hoàn toàn của Việt Nam có thể thực hiện những công trình đòi hỏi không chỉ năng lực chuyên môn, mà còn là sự xông pha, vượt qua nắng gió khắc nghiệt của Trường Sa để sống và làm việc cùng quân dân trên đảo.

Việc triển khai dự án kéo dài hơn 200 ngày với nhiều thử thách, nhưng trước đó là cả một quá trình khảo sát để lựa chọn vị trí thí điểm. Ông Đỗ Công Thành, trưởng dự án cho biết, lựa chọn đảo Song Tử Tây để thí điểm vì điều kiện tự nhiên tại đây có thể đại diện cho các đảo khác của khu vực quần đảo Trường Sa. Độ mặn tại đây cao nhất, nếu thử nghiệm thành công thì các đảo khác chắc chắn thành công.

Chính vì đặc thù của đảo Song Tử Tây có khí hậu khắc nghiệt, nhiều muối, gió mạnh, cát và bụi nên việc vận chuyển và lắp đặt rất khó khăn. "Dù có kinh nghiệm thi công trên Trường Sa trước đây và nhiều lần thoát chết trong gang tấc, có lúc vận chuyển gặp sóng to gió lớn cũng thấy nao lòng, nhưng chúng tôi cũng thấy xót xa khi nghĩ đến anh em và bà con ở đây tiết kiệm từng giọt nước, nên quyết tâm với dự án", ông Thành chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Dương Tuấn, đại diện đơn vị thực hiện dự án (Công ty Mặt Trời Bách Khoa - SolarBK), khi hoàn tất hệ thống cung cấp năng lượng sạch cho Trường Sa vào năm 2010, công ty nhận thấy các chiến sĩ và người dân trên đảo vẫn còn gặp khó khăn về nguồn nước hạn chế. Vì vậy, đội ngũ bắt đầu suy nghĩ tiếp về cách làm sao cải thiện được tình trạng này và để giúp quân dân ở đâu vẫn có thể chủ động được.

Giải thưởng "National Award Vietnam 2016" cho thấy trí tuệ và công nghệ của Việt Nam hoàn toàn có chỗ đứng trên trường quốc tế. Nhưng trên hết, đó là việc ứng dụng năng lượng sạch để có những giải pháp thiết thực, bảo vệ được môi trường và hướng đến sự bền vững. SolarBK hy vọng mô hình này không chỉ nhân rộng ra toàn bộ quần đảo Trường Sa, mà còn được áp dụng ở nhiều vùng nước mặn khác.