Dự án môi trường chờ nhà đầu tư

Nhằm tìm kiếm và quảng bá đầu tư vào ngành công nghiệp xử lý môi trường, ngày 27-10, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Môi trường Hàn Quốc tổ chức diễn đàn doanh nghiệp môi trường Việt - Hàn 2014.

Công nghệ lạc hậu

Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang cho biết dù đã có nhiều cố gắng trong đầu tư nhưng cả nước vẫn còn trên 20% số KCN-KCX chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Bên cạnh đó, 70% làng nghề có quy mô nhỏ, trình độ sản xuất thấp, thiết bị cũ và công nghệ lạc hậu dẫn tới phát sinh nhiều chất thải, gây khó khăn cho công tác quản lý.
 


Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng là nhà máy xử lý nước thải tập trung duy nhất tại TP HCM.


Các khu xử lý chất thải công nghiệp, đặc biệt là xử lý chất thải nguy hại tập trung, còn thiếu và chỉ được thực hiện ở các cơ sở có quy mô vừa và nhỏ. Công nghệ xử lý chất thải rắn đô thị còn lạc hậu, phần lớn là chôn lấp. 

Đến nay, 85% đô thị đang sử dụng các bãi chôn lấp chất thải không hợp vệ sinh và chỉ có khoảng 9% đô thị có nhà máy xử lý rác thải kết hợp chế biến phân hữu cơ, về lâu dài sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường.

Ở góc độ cơ quan quản lý đô thị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Mỹ Linh cho biết lĩnh vực cấp thoát nước và xử lý chất thải rắn của Việt Nam đã đạt được những bước cải thiện đáng kể. 

Kết quả thể hiện rõ qua việc nâng cao tỉ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 79%-80%, tỉ lệ thất thoát thất thu nước sạch là 26%, thu gom, xử lý chất thải rắn đạt 84%. Mặc dù vậy, chất lượng nước sạch còn chưa cao, nước thải xả thẳng ra môi trường gây ô nhiễm.

Tiềm năng cho nhà đầu tư

Theo Cục Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng, đến năm 2015, Việt Nam vẫn chưa đạt được nhiều chỉ tiêu về cấp - thoát nước, xử lý chất thải rắn, vì thế cần nỗ lực hơn nữa trong thực hiện mục tiêu dài hơi đến năm 2020. 

Cụ thể, tỉ lệ cấp nước đô thị đạt từ 70%-90%, tỉ lệ thất thoát nước sạch giảm còn dưới 25%. Các đô thị loại 3 trở lên phải có hệ thống thu gom và trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, nâng tỉ lệ nước thải qua xử lý lên 60%, các đô thị còn lại và làng nghề bảo đảm 40% lượng nước thải được xử lý đạt tiêu chuẩn quy định.

Ngoài ra, theo Chiến lược quản lý tổng hợp chất thải rắn đã được Chính phủ phê duyệt, từ năm 2016 đến 2020, 90% lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị, chất thải công nghiệp và 100% lượng chất thải rắn y tế tại các cơ sở y tế, bệnh viện được thu gom, xử lý...

Để thực hiện được các mục tiêu đó, trong giai đoạn 2014-2020, Việt Nam cần khoảng 70.000 tỉ đồng để đầu tư cho hệ thống cấp nước, 108.000 tỉ đồng cho hệ thống thoát nước và 42.000 tỉ đồng cho lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Nhu cầu đầu tư vào hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường của Việt Nam khá lớn, đây chính là tiềm năng và cơ hội cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xử lý môi trường.

Theo bà Linh, Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai tại Việt Nam với khoảng 3.000 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 24 tỉ USD, trong đó có nhiều dự án đầu tư vào môi trường và phát triển hạ tầng như Nhà máy Nước Thiện Tân - Đồng Nai, dự án xử lý nước thải và chất thải rắn Hải Phòng, dự án thoát nước và xử lý nước thải TP Long Xuyên - An Giang… với khoảng viện trợ không hoàn lại 145 triệu USD và vốn vay ưu đãi 1,5 tỉ USD. 

"Năm 2013, Bộ Xây dựng và Bộ Môi trường Hàn Quốc đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển toàn diện 5 năm 2013-2018 trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật và môi trường đô thị. Chúng tôi hy vọng chính phủ Hàn Quốc sẽ dành tỉ lệ đáng kể vốn viện trợ cho các dự án trong lĩnh vực cấp thoát nước và môi trường tại Việt Nam" - bà Linh kỳ vọng.