Đồng Nai thực hiện chương trình mô phỏng quản lý môi trường trên sông Thị Vải

Trong nhiều năm Công ty Vedan xả nước thải trái phép ra sông Thị Vải, khiến nước sông bị ô nhiễm nặng

Việc chạy thử đang diễn ra thuận lợi, phần mềm mô phỏng có độ tin cậy cao, không bị trục trặc. Tới đây, Đồng Nai sẽ đưa mô hình này vào công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Bà Võ Niệm Tường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết: Chương trình mô phỏng quản lý môi trường trên sông Thị Vải nằm trong Dự án n ghiên cứu công nghệ bảo vệ môi trường nước và xây dựng các mô hình quản lý tích hợp môi trường vùng ven biển do Viện Tài nguyên và Môi trường (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) cùng các nhà khoa học của Đức triển khai. Để có chương trình mô phỏng này, các nhà khoa học của Việt Nam và Đức đã nghiên cứu trong 3 năm (từ 2012 – 2015). Khi triển khai chương trình, Đồng Nai sẽ tích hợp được những cơ sở dữ liệu về thủy động lực học, nhiệt độ, trầm tích bề mặt, thủy sinh, rừng ngập mặn, các nguồn thải… trên lưu vực sông Thị Vải, từ đó xây dựng các kịch bản mô hình dự báo trên các điều kiện khác nhau như: Biến đổi khí hậu, thay đổi vị trí nguồn thải, khả năng chịu tải tại các vị trí khác nhau trên sông.
 
Bằng việc áp dụng chương trình mô phỏng, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai sẽ dễ quản lý, phát hiện và xử lý các nguồn thải gây ô nhiễm trên sông Thị Vải; có thể đánh giá chính xác nguồn thải nào có nguy cơ gây ô nhiễm cao, từ đó đưa ra các giải pháp xử lý, bảo vệ chất lượng nước. Chương trình còn giúp tỉnh đánh giá được khả năng tiếp nhận nguồn thải của sông Thị Vải để xác định vị trí xả thải ít ảnh hưởng đến môi trường nhất.
Theo bà Tường, trong nhiều năm Công ty Vedan xả nước thải trái phép ra sông Thị Vải, khiến nước sông bị ô nhiễm nặng. Sau khi phát hiện ra sự việc (năm 2008), chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm khôi phục chất lượng nước sông Thị Vải. Trong 8 năm qua, Đồng Nai đã triển khai quan trắc nước mặt tăng cường trên sông Thị Vải với 7 vị trí quan trắc, đồng thời quan trắc đối với các nguồn nước mặt khác đổ vào sông (các chi lưu) gồm: Sông Gò Gia, suối Trầu, suối Le, rạch Bà Ký, rạch Miễu, cống Lò Rèn nhằm đánh giá mức độ ô nhiễm từ các nguồn tác động ảnh hưởng đến chất lượng nước sông Thị Vải. Tiến hành kiểm soát nguồn thải đổ vào sông Thị Vải, đặc biệt từ Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2, Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5, Khu công nghiệp dệt may bằng cách lắp quan trắc tự động 24/24 kết hợp quan trắc định kỳ hàng tháng. Giám sát các nguồn thải lớn xả thải ra sông Thị Vải (kiểm soát điểm nóng Vedan với tần suất 6 tháng/lần) đồng thời theo dõi chất lượng nước thải tại 3 cống xả của Công ty Vedan qua 3 hệ thống quan trắc nước thải tự động được truyền dữ liệu liên tục về Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai. Ngoài ra, Đồng Nai cũng hạn chế đầu tư một số ngành nghề có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao vào các khu công nghiệp gần sông Thị Vải như sản xuất giấy, bột giấy, chế biến tinh bột sắn, chế biến mủ cao su chưa sơ chế, sản xuất hóa chất cơ bản, thuộc da, sơ chế, nhuộm da.
 
Các số liệu quan trắc nước mặt trên sông Thị Vải trong vài năm qua cho thấy, chỉ số chất lượng nước WQI (Water Quality Index) đều có giá trị chất lượng từ 86 – 89, nằm trong khung chỉ tiêu chất lượng tốt, ổn định. Chất lượng nguồn nước như trên đảm bảo cho công tác bảo tồn động vật, thực vật, thủy sinh và có thể sử dụng để cấp nước sinh hoạt nhưng cần có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, nguy cơ nước sông Thị Vải bị ô nhiễm là rất lớn, việc triển khai chương trình mô phỏng quản lý môi trường trên sông Thị Vải là giải pháp mới, cần thiết. Sau kiểm chứng mô hình này ở sông Thị Vải, nếu phù hợp Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai sẽ đề xuất nhân rộng ra những sông khác trên địa bàn tỉnh.
Theo tinmoitruong.vn