Cải thiện môi trường làng nghề Hà Nội: Đa dạng hóa nguồn lực

Xã hội hóa đầu tư 90% dự án 
Hà Nội được mệnh danh là đất trăm nghề với 1.350 làng nghề và làng có nghề, thu hút gần 1 triệu lao động, trong đó có hơn 700.000 lao động thường xuyên, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Song mặt trái của sự phát triển chính là hậu quả to lớn về môi trường. Ước tính mỗi ngày, các làng nghề thải ra môi trường hàng trăm nghìn tấn chất thải rắn, hàng nghìn mét khối nước thải sinh hoạt. Hầu hết các loại chất thải không được xử lý mà xả thẳng ra môi trường.
Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua, UBND TP Hà Nội đã tập trung nguồn lực và xây dựng lộ trình cụ thể đối với việc cải thiện môi trường làng nghề. Trong đó, triển khai nhiều chính sách vay vốn ưu đãi để thay đổi công nghệ tiên tiến phù hợp để xử lý chất thải. Song song với đó, định hướng xã hội hóa đầu tư 90% các dự án, bằng việc xây dựng cơ chế và ưu tiên thu hút các dự án về bảo vệ môi trường. Tăng cường kiểm soát công nghệ cũ, công nghệ lạc hậu tại các làng nghề, đồng thời quy hoạch di dời, chuyển đổi ngành nghề gây ô nhiễm. 
TP đã triển khai được nhiều dự án xử lý, cải thiện ô nhiễm môi trường tại các làng nghề như Dự án mô hình trình diễn tại làng nghề cơ kim khí Thanh Thùy (Thanh Oai); Dự án xây dựng thử nghiệm mô hình xử lý bụi làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ tại xã Vân Hà (Đông Anh); Dự án thí điểm xử lý nước thải cho làng nghề chế biến tinh bột sắn xã Tân Hòa (Quốc Oai); Dự án đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải cụm làng nghề tại xã Dương Liễu (Hoài Đức)… Trong năm 2018, TP tập trung đầu tư, xây dựng và vận hành quy trình công nghệ xử lý môi trường cho 13 loại hình làng nghề, gồm: Chế biến lương thực, thực phẩm; nghề thuộc da, nghề nhuộm; chăn nuôi, giết mổ gia súc... 
Chuyển biến tích cực
Với những chính sách cụ thể, môi trường tại các làng nghề đã có chuyển biến tích cực. Ông Nguyễn Đăng Nam – Giám đốc Nhà máy Sunhouse, tại cụm công nghiệp Ngọc Liệp, Quốc Oai cho hay: Đối với một DN đơn lẻ nếu tự đầu tư xây dựng một hệ thống xử lý nước thải là rất khó khăn, tốn kém. Thời điểm năm 2002, khi DN bắt đầu đầu tư xây dựng ở Quốc Oai, do cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư nên công tác xử lý môi trường chưa được hiệu quả. Tuy nhiên sau khi sáp nhập về Hà Nội, huyện đã thành lập Cụm công nghiệp Ngọc Liệp, cùng với đó đầu tư trạm xử lý nước thải tập trung, đã tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển. Hiện nay cả 22 DN trong Cụm công nghiệp Ngọc Liệp được đấu nối, xử lý nước thải tập trung, nhờ đó mà môi trường được xử lý rất hiệu quả.
Ô nhiễm môi trường cũng là vấn đề nan giải ở Hoài Đức bao năm qua. Trung bình mỗi năm cụm điểm công nghiệp và làng nghề của huyện xả thải ra môi trường khoảng 4.830.720m3 nước thải, xấp xỉ 125.068 tấn chất thải rắn. Tuy nhiên, vấn đề này hiện đã được cải thiện đáng kể. Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh cho biết: Với việc được đầu tư nhà máy xử lý nước thải tại xã Dương Liễu với công suất 20.000m3/ngày đã giải quyết nước thải cho 3 xã Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai. Nước thải và các chất thải đều được huyện xử lý nghiêm túc, hiệu quả, đúng quy trình.
Tuy nhiên, do hoạt động sản xuất của các làng nghề chủ yếu là nhỏ lẻ nên việc xử lý môi trường gặp nhiều khó khăn. Do vậy, để ô nhiễm môi trường làng nghề không còn là nỗi ám ảnh đối với người dân khu vực nông thôn, bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước và TP, các hộ sản xuất cần nâng cao ý thức của mình trong việc tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường, giúp làng nghề phát triển bền vững.