Các dự án xử lý nước thải hấp dẫn nhà đầu tư

 
Một góc khu xử lý nước thải Bình Hưng. Ảnh: Cao Thăng
Hấp dẫn đầu tư
 
* Về nguyên tắc chung, nhà đầu tư từng dự án sẽ định giá thành xử lý 1m³ nước thải là bao nhiêu để có phương án thu hồi vốn bỏ ra, nhưng vẫn đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”.
 
Vào tháng 4-2015, liên danh gồm Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng thương mại Phú Điền, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển môi trường SFC Việt Nam và Công ty cổ phần Chứng khoán quốc tế Hoàng Gia (đại diện là Công ty Phú Điền) đã rót gần 1.900 tỷ đồng khởi công xây dựng nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát tại phường An Phú Đông (quận 12, TPHCM) theo hình thức đầu tư xây dựng - chuyển giao (BT). Trước đó, giữa năm 2014, liên danh gồm Công ty TNHH UE Newater Việt Nam thuộc Tập đoàn UEL (Singapore) và Công ty TNHH Đầu tư xây dựng DPD tại TPHCM đề xuất bỏ ra khoảng 80 triệu USD để đầu tư dự án nhà máy xử lý nước thải Tây Sài Gòn, theo hình thức đối tác công tư (PPP) để xử lý 150.000m3/ngày cho các khu vực dân cư ở lưu vực Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên (bao gồm các quận 12, Tân Phú và Bình Tân). Gần đây nhất, tháng 10-2015, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam đề xuất với chính quyền TPHCM được nghiên cứu đầu tư dự án nhà máy xử lý nước Bắc Sài Gòn 1 theo hình thức PPP, vốn đầu tư dự án lên đến hàng trăm triệu USD…
Theo ông Lê Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền, một dự án xử lý nước thải có vốn hàng ngàn tỷ đồng, nếu xây dựng theo hình thức BT và nhà đầu tư khai thác một cách hiệu quả quỹ đất được nhà nước thanh toán lại thì mới hy vọng có lãi. Theo hình thức này thì nhà đầu tư bỏ tổng vốn xây nhà máy xử lý nước thải càng lớn thì được nhà nước trả lại càng nhiều đất. Còn nếu đầu tư theo hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) thì mất ít nhất 20 năm nhà đầu tư mới thu hồi được vốn, bởi lúc này khoản thu duy nhất nhà đầu tư có được chỉ dựa vào phần thu giá xử lý nước thải (giá xử lý này phụ thuộc vào công nghệ, vốn đầu tư, hệ thống thu gom nước thải…). Chẳng hạn đối với dự án xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát, nhà đầu tư đã bỏ ra gần 2.000 tỷ đồng và theo hình thức đầu tư cam kết ban đầu là xây dựng - chuyển giao, nhưng do quỹ đất Nhà nước bù lại không đủ nên nhà đầu tư đang kiến nghị thực hiện giai đoạn sau theo hình thức BOT, tức là được thu tiền xử lý nước thải theo lộ trình tăng dần hàng năm. Trong đó, những năm đầu nhà đầu tư phải chịu lỗ và có sự bù lỗ của Nhà nước để người dân không phải gánh khoản chi trả giá dịch vụ xử lý nước thải quá lớn. 
Cải thiện cơ chế để tăng thu hút vốn xã hội
 
* Đại diện một DN đang quan tâm đến dự án xử lý nước thải tại TPHCM cho biết, điều nhà đầu tư quan tâm nhất vẫn là bài toán thu phí thế nào, trong bao lâu để hoàn vốn cho dự án. Hiện nay, TPHCM vẫn chưa có quy định về đơn giá dịch vụ xử lý nước thải, chưa phân định rõ phương thức thu phí hoàn vốn cho dự án xử lý nước thải.
 
Tuy nhiên, trong lĩnh vực xử lý nước thải, vốn lâu nay được Nhà nước đảm nhận, vẫn còn nhiều cơ chế bất cập đối với các nhà đầu tư. Trong một lần gặp gỡ với ngành kế hoạch đầu tư mới đây do Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản phối hợp Trung tâm Xúc tiến thương mại TPHCM tổ chức, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước cho biết họ rất quan tâm các dự án xử lý nước thải ở TPHCM, nhưng để đầu tư theo hình thức đối tác công - tư vẫn còn thiếu cơ chế bảo lãnh thanh toán cho nhà đầu tư, khó khăn trong tìm quỹ đất sạch xây nhà máy, đơn giá dịch vụ xử lý nước thải mà người sử dụng phải trả chưa được ban hành thống nhất, khó khăn trong phương thức thu phí dịch vụ xử lý nước thải…
Liên quan đến vấn đề này, bà Vũ Quỳnh Lê, Phó cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết về dự án xử lý nước thải thì hiện mới chỉ có quy định thu  phí bảo vệ môi trường 10% trên giá nước sạch. Tuy nhiên, khoản thu này vẫn chưa đủ để nhà đầu tư hoàn vốn đầu tư cho các dự án nhà máy xử lý nước thải. Do đó, đã có nhà đầu tư đề xuất ngoài khoản thu phí bảo vệ môi trường bằng 10% giá nước sạch, Nhà nước cần bù đắp kinh phí đầu tư thông qua hình thức bảo lãnh hoặc người dân trả thêm phí xử lý nước thải.
Theo ông Lưu Văn Tấn, Trưởng phòng Xử lý nước thải thuộc Trung tâm Điều hành chống ngập nước TPHCM, hiện nay lượng nước thải đô thị được xử lý đạt khoảng 10%; mục tiêu đến năm 2020, thành phố nâng tỷ lệ lượng nước thải đô thị qua xử lý lên 60% - 70%, năm 2025 đạt 100%. Theo danh sách 12 dự án xử lý nước thải TPHCM lên kế hoạch xây dựng cho những năm tới, hiện mỗi dự án đã có hàng chục DN tư nhân cả trong và ngoài nước đăng ký tham gia đầu tư. Ông Tấn cho rằng, bước sàng lọc ban đầu của chính quyền thành phố khi cho nhà đầu tư tư nhân tham gia xử lý nước thải chính là không để tổng chi phí đầu tư và giá xử lý quá cao, hoặc nhà đầu tư đưa ra giá thấp nhưng công nghệ xử lý nước thải không đảm bảo. Như vậy, chính sách thu hút tư nhân đầu tư xử lý nước thải là rất phù hợp trong tình hình ngân sách nhà nước dành cho các dự án dịch vụ công còn eo hẹp như hiện nay. Vấn đề là Nhà nước cần có sự điều phối, cần có cơ chế kêu gọi đầu tư rõ ràng nhằm đảm bảo lợi ích cho cả ba bên: Nhà nước, chủ đầu tư và cộng đồng dân cư TP.