Các công ty Mỹ muốn hợp tác xử lý nước thải ở Việt Nam
Trợ lý bộ trưởng thương mại, ông Arun M. Kumar
Phái đoàn gồm một hiệp hội và 8 doanh nghiệp cung cấp các giải pháp công nghệ hạ tầng ngành nước như thiết bị xử lý nước thải, lọc nước công nghiệp, thiết bị khử trùng bằng clo, hệ thống cấp thoát nước, xử lý bùn thải công nghiệp...
Ông Kumar - người cũng đang giữ chức Vụ trưởng Thương vụ Mỹ - cho biết các công ty trong đoàn đều là những công ty đi đầu trong lĩnh vực công nghệ của ngành hạ tầng nước ở Mỹ, cung cấp các giải pháp bền vững, lâu dài cho ngành nước.
Ông Kumar phát biểu trong bối cảnh Việt Nam được đánh giá là nước hưởng lợi nhất trong số 12 thành viên Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và GDP Việt Nam được Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson đánh giá sẽ tăng đến 8,1% trong năm 2030, các doanh nghiệp Mỹ đang rất hồ hởi tìm kiếm cơ hội làm ăn ở Việt Nam.
Trong ngành nước, theo lời trợ lý Kumar, các doanh nghiệp Mỹ nhìn thấy những cơ hội hợp tác rất lớn trong bối cảnh chính phủ Việt Nam đang có những mục tiêu rất tham vọng trong việc cung cấp nước sạch cho người dân, giảm tỉ lệ thất thoát nước. "Chúng tôi nhận thấy Việt Nam đang có những chuyển đổi quan trọng để quản lý tài nguyên nước một cách bền vững hơn và đó là cơ hội tuyệt vời cho chúng tôi", ông Kumar nhận xét.
Phái đoàn thương mại Mỹ trong buổi họp báo hôm 18.7 Bảo Long
Chia sẻ trong buổi họp báo ngày 18.7, lãnh đạo các công ty Mỹ trong đoàn đánh giá rằng về mặt công nghệ, việc xử lý nước máy để có thể uống được ngay tại vòi tại Việt Nam là hoàn toàn khả thi. Sự đầu tư và giá thành nước là 2 vấn đề then chốt.
Ông Alan Morgan, Tổng giám đốc Công ty Hydro Instruments tham gia chuyến thăm Việt Nam lần này chia sẻ thêm rằng công nghệ xử lý nước máy để có thể uống được tại vòi phổ biến trên thế giới hiện này là khử trùng bằng khí clo cả trong nhà máy và hệ thống dẫn nước. "Nếu nước chưa uống được tại vòi thì tôi nghĩ đó cũng phải là một trong những mục tiêu của ngành nước", ông Morgan nói.
Theo Thanh niên