Bộ Tài nguyên và Môi Trường: Nước thải từ Formosa đạt chuẩn
Người dân miền Trung tiếp tục ra khơi sau sự cố môi trường hồi tháng 4 vừa qua. Ảnh minh họa: Võ Thạnh
Bộ Tài nguyên và Môi trường thông báo kết quả khắc phục tồn tại, vi phạm về bảo vệ môi trường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa) sau sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung.
Bên cạnh việc hoàn thành chuyển 500 triệu USD bồi thường, Bộ cho biết, Formosa đã cải thiện, vận hành hệ thống xử lý nước thải và khí thải đạt quy chuẩn cho phép, phối hợp với các nhà khoa học về môi trường xây dựng kế hoạch cải tạo, nâng cấp và bổ sung một số công trình xử lý chất thải nhằm kiểm soát môi trường theo chuẩn quốc tế.
Theo đó, Formosa đã hoàn thành 9 hệ thống xử lý nước thải cục bộ cho các hạng mục của tổ hợp gang thép, nước thải sau xử lý được tái sử dụng tuần hoàn. Công ty này cũng có 3 trạm xử lý nước thải sinh hoạt, sinh hóa và công nghiệp trước khi xả ra môi trường. Trước đó, nước thải sinh hoạt và sinh hóa chỉ được Formosa xử lý sơ bộ rồi nhập chung về trạm xử lý nước thải công nghiệp trước khi thải ra biển.
Từ cuối tháng 9, công ty hoàn thành lắp đặt bổ sung 6 thông số của hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục trước khi thải ra biển. Hàng ngày số liệu được chia sẻ và kết nối trực tiếp về Sở Tài nguyên Môi trường Hà Tĩnh và Tổng cục Môi trường.
Kết quả giám sát nước thải liên tục với tần suất 3 lần/ngày tại hai trạm kiểm định môi trường di động của Tổng cục Môi trường cho thấy, từ 27/7 đến nay nước thải từ Formosa trước khi ra biển đều đạt chuẩn cho phép.
Về công trình xử lý và quan trắc tự động khí thải, Formosa lắp thêm 8 thiết bị quan trắc tự động tại các ống khói, liên tục truyền thông số về Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh.
Để thực hiện cam kết với Việt Nam, theo Bộ Tài nguyên, Formosa sẽ phối hợp với các hãng sản xuất thế giới chọn công nghệ tiên tiến làm nguội than cốc từ ướt sang khô. Việc này sẽ khởi công từ 31/1/2017 và hoàn thành toàn bộ trước 30/8/2019. Thời gian chưa hoàn thành, công ty sẽ xây dựng trạm xử lý tuần hoàn nước, đồng thời nghiên cứu công nghệ sản xuất sạch hơn.
Bộ Tài nguyên giao Tổng cục Môi trường, Sở Tài nguyên, Ban Quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh kiểm tra, giám sát liên tục, định kỳ và đột xuất việc thực hiện các cam kết trên.
Hiện tượng cá chết hàng loạt khởi nguồn từ một số lồng nuôi cá bè gần khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh), sau đó lan đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Cuối tháng 6, Formosa Hà Tĩnh đã thừa nhận là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự cố môi trường biển, cam kết bồi thường 500 triệu USD. Số tiền này đang lần lượt đến tay người dân.
(Theo VNE)